Bảo tàng Áo dài – nơi lưu giữ hồn Việt
Tọa lạc trong một không gian rộng 20.000m2, Bảo tàng Áo dài Việt Nam bao gồm nhiều công trình ấn tượng như khu trưng bày, khu vực trải nghiệm, nhà hát lớn,… Thiết kế mang đậm bản sắc miền quê Việt Nam với những dãy nhà truyền thống, gam màu thiền tịnh phảng phất hương vị hoài cổ. Khiến khách tham quan cảm giác như trở về chốn thôn quê yên bình.
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/01/2014, Bảo tàng Áo Dài là nơi trưng bày câu chuyện về chiếc áo dài Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đất nước. Đồng thời Bảo tàng như một cơ sở dữ liệu hiếm có tập hợp những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về Áo dài.
Bảo tàng trưng bày các bộ sưu tập áo dài đính cườm, áo dài vẽ hoa văn, áo dài làm bằng chất liệu gốm, từ áo dài xưa như áo tứ thân, áo năm thân, áo dài làm từ thổ cẩm đến áo dài cách tân hiện đại theo từng chủ đề như: Áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn từ thế kỉ 19… Trong đó còn có nhiều bộ áo dài gắn liền với các thời kỳ lịch sử và những tên tuổi nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, ngoại giao như: nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, kỳ nữ Kim Cương, chuyên gia ẩm thực Dzoãn Cẩm Vân, cải lương chi bảo Bạch Tuyết, ca sĩ Cẩm Vân, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai, bà Bảy Nam,...
Ngay lối vào là chiếc áo dài trong cung đình của vương triều Nguyễn vào thế kỷ 19 được phục dựng lại.
Những bộ áo dài cho cả nam và nữ mặc trong lúc biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế.
Chiếc áo dài Le Mur đã có phần mục nát là kỷ vật tình yêu của một đôi vợ chồng từ năm 1940 và từng được chôn giấu qua chiến tranh loạn lạc. "Le Mur" là cách dịch sang tiếng Pháp của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Vào thập niên 30, ông đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau như ngày nay.
Các mẫu áo dài tân thời theo từng mùa của thập niên 1930 - 1940 được trưng bày. Từ năm 1934, phong trào cải cách y phục phụ nữ, cũng chính là phong trào Le Mur từ Hà Nội lan truyền ra các tỉnh thành trong nước, chinh phục nữ giới ở nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.
Kiểu mẫu áo dài những năm 1950 mà phụ nữ miền Nam thường mặc.
Áo dài của nữ tướng – anh hùng Nguyễn Thị Định, cùng bức tượng bán thân của bà.
Chiếc áo dài bên trái từng được nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình mặc. Bên cạnh là áo dài của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Từ trái qua là hai bộ áo dài của nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Tuyết, hai người nổi tiếng trong bộ môn nghệ thuật cải lương.
Những chiếc áo dài đều được trưng bày trong không gian sang trọng, điều hoà sẽ được bật liên tục vào buổi sáng để bảo quản độ bền đẹp cho áo dài, và sẽ tắt đi vào buổi tối. Dưới mỗi mẫu áo dài đều có một chiếc bảng ngắn giới thiệu sơ qua những thông tin cơ bản như tên gọi, chất liệu, thiết kế, lịch sử ra đời,..
Bảo tàng đã và đang bảo tồn nhiều di sản văn hóa của đất nước. Bên cạnh không gian trưng bày về lịch sử áo dài, áo dài các nhân vật đã đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực còn có những không gian trưng bày chuyên đề “Áo dài di sản văn hóa”, “Gốm Bàu Trúc”… Bảo tàng tập trung quảng bá Áo dài đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Bảo tàng đặc biệt chú trọng giới thiệu “Áo dài gắn với các Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của Việt Nam được vinh danh là đại diện của nhân loại: Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử…
Ngoài ra còn có rất nhiều bộ trang phục đoạt giải quốc tế của chính nhà thiết kế Sĩ Hoàng, cùng với hơn 3000 hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống.
Bảo tàng Áo dài (TP.Hồ Chí Minh) – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: Bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam
Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của Bảo tàng Áo dài, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử Bảo tàng Áo dài vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Bảo tàng áo dài đầu tiên tại Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng.
Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương.
Mọi thông tin xin gửi về:
Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.
Email:
Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555
Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings
Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)