[VIETKINGS-TOPPLUS đề cử] TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 (P.22): Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) – Độc đáo nét văn hóa mang đậm dấu ấn vùng sông nước

26-04-2023

(kyluc-top) – Mang trên mình nét đặc trưng vô cùng độc đáo của miền Tây sông nước, chợ nổi Cái Răng là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch ghé đến trải nghiệm. Nơi đây được hình thành từ đầu thế kỷ 20, là nơi mà người dân miền Tây đến để trao đổi, mua bán hàng hóa. Và không chỉ vậy, chợ nổi Cái Răng còn được coi như là “đặc sản” - bộ mặt của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về tập quán cư trú, sinh hoạt, Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Để thích ứng với môi trường sông nước, người dân cư trú trong các ngôi nhà xây dựng trên nền đất cao ráo hoặc những ngôi nhà sàn ven sông, rạch. Bên cạnh đó, người dân còn cư trú trên các mảng bè hoặc ghe thuyền thường tập trung nhiều ở các ngã ba, ngã tư sông. Những người di chuyển trên sông cũng thường neo đậu ở những ngã ba, ngã tư, những nơi giáp nước, nghỉ ngơi chờ con nước hoặc chờ trời sáng để tiếp tục lên đường. Do vậy, những nơi này dần trở thành nơi tập trung nhiều người sinh sống, nhiều ghe xuồng neo đậu. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chợ trên sông cũng dần dần hình thành. Chợ nổi có thể đã ra đời từ đó.

 

 

Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Chợ nổi Cái Răng có hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập: ghe hàng của người Việt bán trái cây, rau củ; ghe buồm của đồng bào Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung); nhà bè của người Hoa bán tạp hóa... Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá cũng lên tụ họp buôn bán làm cho chợ nổi Cái Răng ngày thêm sung túc, phong phú. Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày…

 

 

Hằng ngày, chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ở chợ nổi, hầu hết hàng hóa đều được bán sỉ (bán buôn). Tại chợ, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản: trái cây, rau củ quả, hoa kiểng; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng (lu hũ, khạp, chén, đĩa, nồi niêu, xoong, chảo…); thực phẩm (mắm, khô, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa…). Ngoài ra, ở chợ còn có các xuồng nhỏ bán đồ ăn uống và một số hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư và du khách.

 

 

Ở chợ nổi Cái Răng hình thành một hình thức chào hàng khá độc đáo và đặc sắc. Người bán hàng thường sử dụng “cây bẹo.” Đây là một cây sào dài được dựng trên ghe thuyền dùng để treo các loại hàng hóa cần bán. Từ xa, người mua hàng có thể quan sát cây bẹo để biết ghe hàng nào bán thứ gì, từ đó họ sẽ tiếp cận và thương lượng mua bán rất dễ dàng, thuận tiện. Cây bẹo vừa có ý nghĩa chào hàng, vừa tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động, đa sắc màu.

Phương thức “4 treo” này mang thông điệp rất rõ ràng:

Treo gì bán nấy: Chủ ghe buôn bán mặt hàng gì thì sẽ treo thứ đó lên cây bẹo (hay còn gọi là cây nêu) để khách hàng có thể dễ dàng nhận biết và ghé mua. 

Treo mà không bán: Còn gì ngoài quần áo của các hộ gia đình sinh sống ngay trên ghe thuyền.

Không treo mà bán: Đây chính là những chiếc ghe phục vụ ẩm thực với đa dạng món ăn ngay trên sông cho khách du lịch miền Tây: hủ tiếu, bún, bánh mì thịt, cà phê kho,...

Treo cái này nhưng bán cái khác: Trường hợp này xuất hiện khi chủ ghe muốn bán đi chiếc ghe của họ thì họ sẽ treo lên cây bẹo một tấm lá lợp nhà.

 

Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ có chợ nổi mới có – một cách quảng cáo sản phẩm không ồn ào, vội vã nhưng lại mang đến cho du khách cũng như khách hàng những điều thú vị riêng.

 

Ở giữa bốn bề sông nước, với hàng trăm ghe thuyền san sát, hình ảnh cây bẹo đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước, đồng thời là một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Nhiều du khách khi đến chợ nổi đã tỏ ra rất thích thú với hình ảnh cây bẹo chào hàng. Điểm độc đáo của chợ nổi Cái Răng là ở chợ nổi không "bán chịu" và ít nói thách; mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời lên cao.

 

 

Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh, do đặc thù của chợ nổi là giao dịch trên sông nước, cần nhanh gọn, linh hoạt nên các hoạt động giao thương ở đây được thực hiện trên nền tảng chữ “tín”, nghĩa là sự tin tưởng giữa người mua và người bán, không cần thương lượng phức tạp, không cần ký hợp đồng hoặc người làm chứng, nhưng rất ít xảy ra các vụ tranh chấp ở chợ nổi. Những đơn hàng trị giá hàng chục triệu đồng, khối lượng hàng hóa cả chục tấn cũng chỉ được giao dịch trực tiếp bằng miệng trong vài mươi phút. Nguyên tắc mua bán ở chợ nổi là bớt kỳ kèo, bớt nói thách về giá cả để người bán và người mua đều có lợi, tiết kiệm được thời gian, hạn chế chi phí, đưa nhanh hàng hóa đến nơi cần thiết. Mọi người đều thấm nhuần các quy ước, thông lệ mua bán trên sông nên đã tự thỏa thuận, vạch ra một công thức, trật tự giao thương cho mình, trở thành “văn hóa chợ nổi”. 

 

 

 

Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước hàng ngày, nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và cởi mở. Không cố gắng tranh giành phần thắng, mà lựa nhau, nhìn nhau mà đi, lựa nhau mà bán, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ nhau mà sống. Đó là văn hóa tình người, điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng.

 

 

Chợ đông nhất là vào khoảng 7- 8 sáng. Chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm, để có thể ngắm nhìn và cảm nhận sự tấp nập của hàng trăm chiếc ghe, thuyền từ khắp các ngả sông rộn ràng tập trung về Chợ nổi, thì 5 giờ đến 9 giờ sáng là thời gian lý tưởng nhất cũng như du khách có cơ hội ngắm  bình minh trên sông. Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết), Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch). 

Đặc biệt khi đi chợ nổi du khách không thể bỏ qua hai món đặc sản là hủ tiếu lắc và cà phê kho. Nói về sự ra đời của hủ tiếu lắc thì đó là vì mỗi khi ghe thuyền bán hủ tiếu dừng lại, khách mua một tô hủ tiếu ăn tại chỗ. Không có bàn ghế như ở trên bờ, món hủ tiếu này ngồi trên thuyền chao đảo, lắc qua lắc lại, người ta gọi là hủ tiếu lắc. Đối với món cà phê kho, có một câu chuyện thú vị như sau: Người dân thường mang theo bếp và để lửa nhỏ để giữ nóng cà phê khi uống (vì trên sông gió nhiều nên cà phê nhanh nguội). Hình ảnh này khiến người ta liên tưởng đến tên gọi cà phê kho. 

 

 

 

 

 

Do tính chất là chợ nổi và mọi hoạt động đều diễn ra trên thuyền, trên sông nước nên mọi vật dụng đều được đơn giản hóa một cách tối đa. Ăn ở đây thì bạn không có ghế, không có bàn đâu mà đôi khi chỉ đơn giản là một thanh gỗ dài bắc ngang qua 2 mép thuyền, ghe là đã có ngay chiếc bàn lý tưởng để thưởng thức món ăn.

 

Ngồi chòng chành trên ghe, giữa vùng sông nước rộng lớn, ăn tô hủ tiếu nóng hổi cùng ly cà phê ngọt đắng sẽ là những trải nghiệm khiến bạn khó quên.

 

Đặc biệt, vào mỗi cuối tuần sẽ có một thuyền đờn ca tài tử đi dọc trên sông để biểu diễn phục vụ bà con cũng như du khách. Ngồi trên con thuyền dọc dòng sông Hậu, vừa lắng nghe những giai điệu đậm chất Miền Tây Nam Bộ, vừa ngắm khung cảnh sinh hoạt thường nhật của một chợ nổi, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, thú vị của vùng đất này. Nếu ghé thăm vào dịp tháng 7, tháng 8, du khách có thể tham dự Lễ hội chợ nổi Cái Răng do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp UBND quận Cái Răng tổ chức. Đây là hoạt động hàng năm nhằm quảng bá nét văn hóa miền sông nước miền Tây. Ngoài ra nó còn nhiều hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo để quảng bá du lịch. Từ diễu hành ghe thuyền, gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian đến giảm giá vé ghe thuyền cho khách du lịch.

Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế của chợ nổi Cái Răng, Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng "rực rỡ sắc màu nhiệt đới". Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình. Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016. 

 



Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với thập khách chính là giữ gìn và phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của hàng hóa nơi đây, thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn, cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách hiếm có của những con người vùng sông nước miền Tây nói chung. 
 

-----------------------------------------------------------------------

Hành trình tìm kiếm và đề cử TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) giao cho Trung tâm TOP Việt Nam triển khai từ đầu tháng 4/2023 dưới tiêu chí và góc nhìn của Ban quản lý hành trình Top. Đây là tiền đề cơ sở để Trung tâm Top Việt nam tìm kiếm và vinh danh 100 điểm đến hấp dẫn nhất của 63 tỉnh thành Việt Nam năm 2023. Ngoài ra, Ban quản lý hành trình cùng mong muốn nhận thêm được nhiều đề cử từ các sở ban ngành địa phương trên cả nước để có thể chọn lựa những điểm đến đặc sắc nhất của khắp mọi miền tổ quốc. Từ đó  tăng cường xúc tiến du lịch, góp phần quảng bá các điểm đến của các địa phương. 

Mỗi tuần, các bài đề cử sẽ được công bố rộng rãi trên hệ thống các trang truyền thông chính thức của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings như: kyluc.vn; topplus.vn; bestplus.vn;... Ban quản lý hành trình rất mong nhận được sự quan tâm theo dõi của bạn đọc trong và ngoài nước nhằm tiếp tục quảng bá và tôn vinh các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Mọi thông tin phản hồi xin gửi về Ban quản lý hành trình qua email: . Thời gian nhận thông tin từ ngày 10/4/2023 đến hết ngày 30/5/2023. Kết quả hành trình dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6/2023 và gửi công văn thông báo đến các địa phương trong cả nước. TOP 100 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam 2023 sẽ được công bố và cấp bằng chứng nhận TOP cùng huy hiệu trong sự kiện Hội ngộ TOP Việt Nam gần nhất năm 2023. 

 

Mọi thông tin xin liên hệ xin gửi về:

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS) - TRUNG TÂM TOP VIỆT NAM (TOPPLUS)

 Địa chỉ: 148 Hồng Hà, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh 

Liên hệ: Ms Phi – 0333 108 555

Email: 

Website: www.kyluc.vn/ www.topplus.vn

 
 

Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, ảnh Internet)

 

 

content 1 mobi
content1
content 2 mobi
content 2
ct9
ct11
ct12
ct14