Atiso là giống cây ôn đới, được người Pháp mang đến Đà Lạt trồng vào cuối thế kỷ XIX và cho thấy dấu hiệu tiềm năng sinh trưởng của mình. Cây Atiso có giá trị kinh tế cao, tất cả thành phần của cây đều có giá trị, từ hoa, lá, thân, rễ…Atiso, từ nguyên liệu tươi đến thành phẩm đều có tác dụng mát gan, thông mật, lợi tiểu, giúp hạ cholesterol trong máu; đặc biệt tinh chất cynarine từ Atiso có tác dụng giúp đào thải cồn nhanh. Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện quan trọng để cho ra đời những cây Atiso tươi ngon nhất, với hàm lượng cynarine cao nhất Việt Nam. Theo phân tích, trong 100g bông atiso chứa hàm lượng 3 – 3,15 g protein, 0,1-0,3 g lipid, 11-15 g glucid, 82 g nước và các chất khoáng có lợi khác như mangan, photpho, sắt, các vitamin: A , B1, B2, C, cung cấp 50-75 calorie.
Cây Atiso là loại cây thuốc lá gai thấp (khoảng 1 – 1.2m), sống lâu năm. Toàn bộ phần thân và lá của cây atiso phủ một lớp lông nhỏ màu trắng. Lá to, mọc so le, phiến lá sâu và có gai nhỏ, nhọn, mặt dưới của lá có nhiều lông tơ hơn mặt trên.
Hoa Atiso tại Đà Lạt được chia làm hai loại: loại bông nhọn và bông tròn. Loại Atiso bông nhọn có cánh dài chỉa ra bên ngoài, thường mang màu tím khá đậm, cánh mỏng và ít cơm. Loại này có vị đắng, thích hợp để làm trà hoặc phơi khô. Loại Atiso bông to tròn có cánh úp vào trong tạo thành búp lớn, rất tròn trịa. Khi bông còn non, cánh có màu xanh, khi chín tới gốc lá sẽ dần chuyển sang màu tím. Đây là loại được sử dụng phổ biến để nấu ăn vì có cơm dày, vị đắng nhẹ, dễ ăn và rất thanh mát, bổ dưỡng cho cơ thể.
Hương thơm của Atiso rất đặc trưng, mùi ngai ngái quyện với cỏ cây dịu nhẹ. Mùi hương này gợi cho bất kỳ ai khi thử đều liên tưởng đến sắc hương của rừng núi, khiến tâm trạng được thư thái, nhẹ nhõm hơn. Với các công dụng tuyệt vời cũng như hương vị thơm ngon, Atiso được nhiều người ưa chuộng và tìm mua, từ hoa tươi đến các chế phẩm từ Atiso như cao Atiso, trà túi lọc, Atiso khô,...

Có lẽ do sự khác biệt về khí hậu, đất đai nên so với các vùng miền khác, bông Atiso Đà Lạt được giới chuyên môn đánh giá là hàm lượng vitamin và dinh dưỡng cao hơn, đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Hiện nay diện tích trồng Atiso ở Đà Lạt thuộc hàng lớn nhất cả nước trong đó nhiều vườn đã áp dụng quy trình VietGAP, GACP để cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng phân, thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục, phun thuốc vi sinh. Chính vì thế, sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng, và trở thành một đặc sản nổi tiếng cũng như biểu tượng của thành phố.
Chính bởi những giá trị đó, đầu tháng 3/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tiếp tục hoàn thiện các bộ hồ sơ đề cử gửi đến Tổ chức Kỷ lục Châu Á về việc công nhận giá trị Kỷ lục cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có atisô Đà Lạt. Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức công nhận atisô Đà Lạt đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.
Diệu Phi (VietKings)