Về hang Thẩm Púa:
Hang Thẩm Púa hay hang Thẩm Bó, còn được gọi là hang ông Giáp, nằm dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc địa phận Bản Bó xã Chiềng Đông huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Đây là nơi có di tích người cổ xưa, và là địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau lớp cây rậm rạp dài cả chục mét, cửa hang Thẩm Púa như một vòm đá lớn, với chiều cao khoảng 10 m, còn nguyên nét hoang sơ mà tạo hóa đã dựng lên... Từ đây sẽ thấy được toàn cảnh thung lũng phía dưới trải dài một màu xanh mướt với gần 2.000m2 phủ kín ngô, lúa... Cách đó không xa là con suối Nậm Hua uốn lượn tạo một cảm giác bình yên, tươi mát như muốn xóa đi cái không khí oi bức của những ngày đầu hè. Thẩm Púa có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn, lòng hang rộng, càng đi vào sâu bên trong càng gặp nhiều phiến đá to, phẳng như mặt bàn phủ đầy rêu phong, rồi những vách đá, trần đá, măng đá, nhũ đá... tuyệt đẹp. Tất cả đã tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vĩ.
Núi rừng trùng điệp bên những thung lũng xanh màu lúa nhìn từ cửa hang Thẩm Púa
Hang Thẩm Púa được chọn làm Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ vì có địa thế an toàn, bên cạnh hang là một bãi đất bằng phẳng, rộng hơn 10ha, thuận lợi cho việc chỉ đạo chiến dịch ở miền núi. Nơi đây có nhiều hang động lại có khung cảnh đẹp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ghi lại trong hồi ức về Điện Biên Phủ: “Tôi cảm thấy quang cảnh ở đây rất đẹp, tôi ít khi làm thơ, nhưng cảm thấy cảnh đẹp này thật nên thơ. Chúng tôi lại sắp chiến đấu chính là để cho đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay…”.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, hang Thẩm Púa được chọn làm địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Trần Đình (bí danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh (từ 17/12/1953 – 17/1/1954). Tại đây, từ những ngày đầu tháng 1/1954 mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên sa bàn lớn bằng cát. Tham dự có các cán bộ cao cấp, trung cấp của những đại đoàn tham gia chiến đấu, các đồng chí tư lệnh quân sự: Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long và những đồng chí chính uỷ Trần Độ, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu đều có mặt, nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn qua nhiều năm chiến đấu “đối với tôi đã trở thành thân thuộc” (lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Cũng tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao nhiệm vụ cho các đơn vị: Đại đoàn 308 đánh vào Tập đoàn cứ điểm từ hướng Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, chọc thẳng tới Sở chỉ huy của Đờ Cát. Các Đại đoàn 312, 316 có nhiệm vụ đột kích từ hướng Đông - nơi có những cao điểm trọng yếu của địch. Gần tới ngày nổ súng tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy chiến dịch đã được chuyển về hang Huổi He ở Km62 gần bản Nà Tấu và ngày nổ súng được quyết định vào 17 giờ ngày 25/1/1954…
Trong dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1999), Bảo tàng Điện Biên kết hợp với Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Tuần Giáo kiểm tra, khảo sát hang Thẩm Púa và đã thu được hơn 100 di vật gồm công cụ lao động bằng đá cuội công cụ chặt thô hình hạnh nhân được ghè đẽo một đầu… Tất cả những hiện vật đó đều chứng tỏ rằng nơi đây là nơi cư trú của người Việt từ thủa xa xưa, vùng đất này luôn gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển, cũng như lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn mà hang Thẩm Púa mang lại, năm 2009, Hang Thẩm Púa là di tích thành phần thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hang Thẩm Púa – TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: Địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ
Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của hang Thẩm Púa, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử hang Thẩm Púa vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Điện Biên Phủ". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng.
Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương.
Mọi thông tin xin gửi về:
Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.
Email:
Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555
Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings
Diệu Phi (tổng hợp và biên tập, nguồn hình Internet)