Chùa Ba Vàng (tên chữ là Bảo Quang tự) do Đại Đức Thích Trúc Thái Minh làm Trụ trì từ năm 2007. Ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng ở độ cao 340m, với cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình cùng địa thế Rồng chầu Hổ phục trở thành nơi hội tụ Linh Khí chốn Thiền môn. Hiện nay, Chùa trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngôi chùa còn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất tại miền Bắc với hàng nghìn tín đồ Phật tử tề tựu về sinh hoạt và tu tập.
Tọa lạc ở vị trí rất đẹp trên núi Thành Đẳng ở độ cao 340m so với mặt nước biển, phía trước sông dài, phía sau tựa lưng vào núi và hai bên là rừng thông trải dài xanh ngát. Chùa Ba Vàng nổi tiếng với sự linh thiêng và mang vẻ đẹp của một công trình kiến trúc Phật giáo trang nghiêm, bề thế mang tầm Thế giới.
Không những là “Ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất tại Đông Dương”, chùa Ba Vàng còn là một trung tâm Phật giáo lớn thu hút đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài nước về chùa tu học định kỳ. Những buổi tu học Phật Pháp giúp quý Phật tử và nhân dân thập phương được kết duyên lành với chính Pháp, nghe học chân lý đạo Phật, để hoàn thiện bản thân, hướng con người tới chân - thiện - mỹ, mang lại cuộc sống tốt đẹp, an vui.
Chùa Ba Vàng còn có tên chữ Hán là Bảo Quang Tự. “Tự” nghĩa là chùa, “Bảo Quang” mang nghĩa là ánh sáng quý báu. “Bảo Quang Tự” có nghĩa là ngôi chùa có ánh sáng quý báu.
Theo lý giải của Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Phó Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa cho biết hai chữ “Ba Vàng” mang ý nghĩa chỉ ba ngôi vị quý báu là: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Đây là tên gọi giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với những người dân từ thuở khai sơn lập địa nhưng không làm mất đi sự cao quý vốn có của Tam Bảo nơi chốn thiền môn thanh tịnh, thể hiện niềm tôn kính của họ đối với ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng
KHÁNH THÀNH TÒA ĐẠI GIẢNG ĐƯỜNG TRÊN NÚI - CÔNG TRÌNH PHẬT GIÁO ĐẶC BIỆT CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI
Công trình Đại giảng đường tại Chùa là một trong những điểm nhấn quan trọng bởi quy mô rộng lớn và thiết kế độc đáo, với sức chứa lên tới 13.000 -15.000 người. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2016, với mục đích trở thành nơi sinh hoạt chính của Phật tử, để nghe Kinh giảng Phật và tổ chức các Đại lễ của Chùa.
Với thiết kế 2 tầng, tổng diện tích mặt sàn 11.904m2 trong đó mặt sàn tầng 1 là 5.832m2, mặt sàn tầng 2 là 6.072m2. Chiều cao nơi cao nhất là 31,880m, chiều dài nơi dài nhất là 90,73m và chiều rộng nơi rộng nhất là 71,85m.
Công trình Đại giảng đường cũng thể hiện sự hòa hợp với kiến trúc văn hóa Phật giáo Thế giới và là điểm tham quan của du khách thập phương khi về chiêm bái Chùa.
Công trình được xây dựng bề thế bằng vật liệu bê tông cốt thép, mặt đứng ốp đá Marble Tây Ban Nha, cột và hành lang ốp lát bằng đá Granite. Bên cạnh đó, cùng với những tiêu chí đặc biệt như: Được xây dựng trên lưng chừng núi; nằm tách biệt với Chùa; Hoàn toàn sử dụng không gian trong nhà là nơi thuyết giảng Phật pháp và sinh hoạt chính của Phật tử; Thiết kế 2 tầng với phần mái đặc biệt và cầu kỳ, sức chứa lên tới 15.000 người...
Đại Giảng đường được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, sự tu học của Phật tử và tổ chức các Đại lễ tại Chùa, còn Chư Tăng Ni tại Chùa vẫn nhập rừng tu tập miên mật, thực hành hạnh đầu đà như thời Đức Phật còn tại thế.
Sau quá trình làm việc, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) đã quyết định chính thức công nhận Kỷ lục Thế giới đến chùa Ba Vàng với nội dung: “Chùa Ba Vàng — Nơi có tòa Đại Giảng đường Phật 2 tầng nằm trên núi, với tổng diện tích sàn lớn nhất Thế giới” vào ngày 20 tháng 3 năm 2023.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Record Association) cũng chính thức ghi nhận Chùa Ba Vàng là Ngôi tự viện có tòa Đại giảng đường Phật giáo trên núi với 2 tầng với diện tích lớn nhất Thế giới vào ngày 06 tháng 3 năm 2023.
Đại giảng đường được thiết kế hai tầng mái: Mái hạ với 4 mái đao truyền thống, mái thượng được thiết kế theo kiến trúc mái vòm. Đỉnh của giảng đường là biểu tượng Hoa Sen như bảo toà thuyết Pháp của chư Phật. Cũng chính phần mái đặc biệt đó đã tạo nên nét đẹp tổng thể đặc trưng cho công trình uy nghiêm, bề thế này.
CÔNG TRÌNH ĐẠI GIẢNG ĐƯỜNG PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CẢ HAI TỔ CHỨC KỶ LỤC THẾ GIỚI CÙNG XÁC LẬP
Vào sáng ngày 21/5/2023, Đại lễ Phật đản 2023 và Khánh thành tòa Giảng đường trên núi lớn nhất Thế giới được tổ chức trọng thể tại chùa Ba Vàng có sự tham dự của Chư Tôn Thiền Đức Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chư Tôn Đức Phật giáo Quốc tế, các vị Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TW và địa phương, đại biểu quốc tế và trong nước, cùng đông đảo Phật tử và nhân dân.
Đại biểu về tham dự Đại lễ.
Ts.Biswarooop Roy Chowdhury - Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới - WorldKings (Ngoài cùng bên phải) và Mr. Michael Vincent - Tổng Giám đốc Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) - Thứ 2 từ phải qua tại buổi lễ
Về phía đại diện các Tổ chức Kỷ lục trên Thế giới, có sự tham dự của Ts.Biswarooop Roy Chowdhury - Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings); Mr. Michael Vincent - Tổng Giám đốc Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA); Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận - Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Ts. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Ts. Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam; Đại sứ, Ts. Nguyễn Thanh Sơn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Thành viên Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; TS.Nguyễn Hoàng Anh – Phó Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings; Bà Nguyễn Thị Tường Vân – Trưởng ban Quốc tế Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước chụp hình lưu niệm cùng các đại diện Lãnh đạo 2 tổ chức Kỷ lục Thế giới và Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings
Phát biểu tại buổi lễ, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết: Công trình Đại giảng đường Chùa Ba Vàng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings ghi nhận Kỷ lục Việt Nam vào tháng 2/2022, được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập tháng 4 cùng năm là Toà Đại giảng đường Phật giáo trên núi lớn nhất. Với những giá trị và ý nghĩa mà công trình mang lại, bộ hồ sơ đề cử Kỷ lục Thế giới đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử cùng lúc đến hai Tổ chức Kỷ lục Thế giới là Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) và Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Record Association - WRA).
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thông báo về các Quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới từ WorldKings và WRA
Ts.Biswarooop Roy Chowdhury - Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới; Giáo sư, Viện sĩ Hoàng Quang Thuận - Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Ts.Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam cùng trao chứng nhận Kỷ lục Thế giới của Liên minh Kỷ lục Thế giới đến Đại Đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng.
Mr. Michael Vincent - Tổng Giám đốc Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA); Ts. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng trao chứng nhận Kỷ lục Thế giới từ Hiệp hội Kỷ lục Thế giới đến Đại Đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì Chùa Ba Vàng
Theo đó, có thể nói đây cũng chính là Đại giảng đường Phật giáo đầu tiên trên Thế giới được cả hai Tổ chức Kỷ lục Thế giới cùng lúc ghi nhận Kỷ lục Thế giới.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Tòa đại Giảng đường trên núi lớn nhất Thế giới
Đại biểu tham quan bên trong Đại giảng đường
Tòa Đại giảng đường trên núi tại Chùa Ba Vàng có thể nói là một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế và trang nghiêm của Việt Nam và Thế giới, đáp ứng thêm nhu cầu về cơ sở vật chất, sự tu học của Phật tử, nhân dân khi đến với chùa.
Cảnh sắc ấn tượng chào đón Đại lễ Phật đản 2023 tại Chùa Ba Vàng
Đại lễ Phật đản được tổ chức vào tháng 4 Ân lịch hàng năm, đây là sự kiện trọng đại của Phật giáo. Nhân dịp này, chư Tăng Ni Phật tử kết hoa, dâng nước cúng dường lên tôn tượng kim tướng của Đức Phật đản sinh và tổ chức các nghi lễ, hoạt động để bày tỏ lòng biết ơn và sự hân hoan của triệu người con Phật cũng như người dân khắp năm châu về sự đản sinh của Đức Phật Thích ca Mâu Ni - Người mang ánh sáng Phật giáo cứu khổ, ban vui cho toàn nhân loại.
Ngọc Quỳnh, Tường Vân - Kyluc.vn