Đi hết con đường Nguyễn Thông, đến gần hết con dốc cao (người dân hay gọi là dốc Lầu Ông Hoàng), du khách rẽ phải vào bảng thông báo Khu Di tích Tháp Po Sah Inư. Nơi đây cũng là địa điểm của tàn tích Lầu Ông Hoàng. Sau khi tham quan quần thể 3 tháp, du khách có thể leo lên 2 đồi đất cách đó khoảng 100m để đến Lầu. Ngay giữa con dốc, du khách đã thấy xa xa là tàn tích ẩn mình bên phong cảnh yên bình của thành phố nhìn từ trên cao.
Lầu Ông Hoàng là một địa điểm lịch sử nổi tiếng gắn với chuyện tình của nhà thơ Hàn Mặc Tử và cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Ảnh: Kim Huệ
Theo lời kể của người dân, năm 1911, một ông Hoàng người Pháp gọi là công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch, nhận thấy nơi đây có cảnh núi non và đường biển đẹp nên xin phép nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận được xây khu biệt thự. Một năm sau thì biệt thự hoàn thành với quy mô hiện đại nhất thời bấy giờ với tích rộng 536m2, chia thành 13 phòng, có hầm tích nước và máy phát điện. Người dân cũng quen gọi khu biệt thự nhiều tầng đấy là Lầu Ông Hoàng để nhắc nhớ về khu nhà ở xa hoa của ông công tước.
Năm 1917, công tước De Montpensier bán lại cho chủ khách sạn người Pháp, sau này đã xây thêm Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, biệt thự này đã bị hư hại nặng, ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng, hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết.
Cây đã nảy mầm trên tàn tích. Ảnh: Kim Huệ
Tàn tích Lầu Ông Hoàng còn gắn liền với chuyện tình của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử với người con gái Phan Thiết nên càng được nhiều người biết đến. Với mối duyên từ văn thơ nảy nở, Hàn Mặc Tử đã có mối tình với nàng Mộng Cầm. Lầu Ông Hoàng là nơi mà ông cùng Mộng Cầm ngắm trăng và thành phố Phan Thiết từ trên cao. Chuyện tình đẹp nhưng đến hồi dang dở, đúng lúc ông phát hiện căn bệnh kỳ lạ trong mình và phải trở về Quy Nhơn chữa bệnh.
Lúc bấy giờ là khoảng năm 1936 - 1937 là khoảng thời gian tập thơ “Điên” nổi tiếng ra đời. Trong bài Những giọt lệ nổi tiếng (Phần Mật Đắng), nhà thơ nén những cay đắng cho mối tình vào câu thơ:
“Họ đã xa rồi, khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa,…
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Càng quằn quại hơn, ở trong bài Phan Thiết, Phan Thiết!, nhà thơ viết:
“Ta lang thang tìm đến chốn lầu trăng
Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! Phan Thiết! Là Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”.
Trong tuyệt vọng, không còn gì phải e ấp mà nhà thơ kêu lên:
“Nghệ hỡi Nghệ! Muôn năm sầu thẳm
Nhớ thương còn một nắm xương thôi”.
Nghệ là tên thật của Mộng Cầm - Huỳnh Thị Nghệ, sinh ra tại Quảng Ngãi, theo người thân vào sinh sống ở Phan Thiết.
Khung cảnh thành phố Phan Thiết nhìn từ Lầu Ông Hoàng.
Năm 1965, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh quê Phan Thiết đã sáng tác tình khúc “Hàn Mặc Tử” với giai điệu ngậm ngùi và hình ảnh Lầu Ông Hoàng tình sử ghi dấu cuộc tình của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm:
“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…”
Lầu Ông Hoàng tráng lệ năm nào giờ chỉ còn trong ký ức của người dân địa phương. Những mảng vôi đã sờn tróc nhưng màu gạch cũ vẫn còn như minh chứng cho những giá trị của thời gian còn mãi. Ảnh: Kim Huệ
Hiện nay, Lầu Ông Hoàng còn một quần thể du lịch hấp dẫn gồm: Nhóm tháp Chăm cổ, chùa Bửu Sơn cổ kính, dưới chân đồi là bờ biển, cửa sông Phú Hài, xa xa là nơi có mộ của nhà thơ Nguyễn Thông,…Tất cả hợp thành một quần thể Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Phan Thiết.