Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện (hiện sống tại TP.HCM), chuyên chụp ảnh dưới nước, vừa có hành trình đến vùng biển châu Phi xa xôi vào đầu tháng 5.2023 để lặn và ghi hình cá nhà táng. Bộ ảnh "săn" cá khổng lồ dưới đại dương thăm thẳm của anh nhận được đánh giá cao của giới nhiếp ảnh trong nước và gây ấn tượng mạnh với người xem.
“Tôi mong muốn thực hiện các chuyến đi tìm và ghi hình cá voi ở những vùng biển xa xôi, một số điểm trong danh sách rút gọn có thể kể đến như quần đảo French Polynesia, đảo quốc Tonga ở Nam Thái Bình Dương; đảo quốc Dominica ở vùng biển Caribê hay Sri Lanka ở Ấn Độ Dương. Chuyến đi lẽ ra đã được thực hiện từ năm 2020, nếu không bất ngờ xuất hiện Covid-19. Sau đó, tình cờ đã hướng sự ưu tiên đến vùng biển Đông Phi, khu vực nằm giữa tam giác Madagascar, quần đảo Reunion (Pháp) và thành phố cảng Port Louis của Mauritius - nơi đối tượng tôi muốn ghi hình cá nhà táng”, anh Thiện kể.
Chuyến đi này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện lặn biển cùng vài người bạn thân thiết và ấn tượng trước kích thước khổng lồ của cá nhà táng, hay còn gọi là sperm whale, loài động vật có vú săn mồi có răng lớn nhất trên thế giới, thuộc bộ cá voi.
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Một cá thể cá nhà táng đực trưởng thành có thể dài từ 16 - 20m và nặng 35 - 50 tấn; trong khi cá thể cái dài khoảng 10 - 15m và nặng khoảng 20 - 30 tấn
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Nhiều chuyên gia về ảnh trong nước thừa nhận, Nguyễn Ngọc Thiện là “nhiếp ảnh gia Việt đầu tiên” đã lặn và ghi hình, chụp ảnh một cách chuyên nghiệp, cận cảnh loài cá voi này tại vùng biển lục địa đen
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Một số thống kê ấn tượng về cá nhà táng như chúng có phần đầu lớn nhất thế giới, đầu của chúng chiếm 25 - 35% tổng chiều dài cơ thể; não nặng tới 8kg; tim có thể nặng tới 125kg
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Cá nhà táng là một trong những loài có khả năng lặn sâu nhất thế giới, thường sâu từ 1 - 2 km để kiếm ăn. Mỗi lần lặn như thế có thể kéo dài hơn 1 - 2 giờ. Vì thế, việc "săn lùng" chúng để ghi hình là thách thức lớn với bất kỳ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Vũ điệu của cá nhà táng và con người. Anh Thiện kể, khi lặn nghe các âm thanh tách, tách, tách ngắt quãng liên tục trong dòng nước, chính là âm thanh mà cá nhà táng sử dụng để giao tiếp với nhau
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Thức ăn của cá nhà táng bao gồm bạch tuộc, mực, kể cả mực khổng lồ và nhiều loài cá như các loài cá đuối sống ở đáy nước
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Việc săn cá voi quy mô lớn, nhất là vào những thập kỷ giữa thế kỷ 20, đã khiến kích thước trung bình của cá nhà táng giảm đi vì những con cá đực lớn thường bị các thuyền săn cá truy lùng
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Trong cùng một khung hình, ta dễ dàng thấy được con người nhỏ bé như thế nào so với những gã khổng lồ của đại dương. Trải nghiệm được những điều kỳ vĩ của tự nhiên sẽ thấy con người thật nhỏ bé
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Con người đã bắt đầu tìm hiểu cá voi từ thế kỷ 18 nhưng mãi đến năm 2008, các nhà nghiên cứu mới công bố phát hiện ghi nhận nhiều cá nhà táng thực hiện hành vi ngủ ở tư thế thẳng đứng ngay dưới mặt nước trong nhiều phút mỗi lần. Trong ảnh là nữ thợ lặn đi cùng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện đang bơi cùng với cá
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Hiện chưa có những lý giải chắc chắn tại sao cá nhà táng lại ngủ thẳng đứng. Có giả thuyết cho rằng, chúng ngủ thẳng đứng theo chiều dọc để kiểm soát hơi thở dễ dàng hơn khi cần thức dậy, hoặc để luôn trong tư thế an toàn và cảnh giác với những kẻ săn mồi tiềm năng ở đại dương như cá voi sát thủ
NGUYỄN NGỌC THIỆN
Theo nguồn: https://thanhnien.vn/ngoan-muc-canh-nhiep-anh-gia-viet-san-ca-khong-lo-o-bien-dong-phi